Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

TƯ VẤN VỀ ÂM DƯƠNG KHÍ CÔNG

Tg: LY. Tạ Minh
Thời gian qua, nhiều bạn gọi điện nhờ tôi tư vấn về ÂDKC, nhận thấy cần thiết nên tôi có bài viết này để giúp các bạn vượt qua các khó khăn ban đầu trong khi tập luyện môn này.
Đây là môn khí công do thầy Bùi Quốc Châu chế tác lại dựa trên 2 vòng Tiểu Chu Thiên và Đại Chu Thiên đã có từ lâu. Tiểu Chu Thiên không có gì thay đổi theo các phái, nhưng Đại Chu Thiên thì có khác nhau chút ít giữa các môn phái. Có môn phái chọn vòng này đi từ Đan Điền xuyên qua bụng đi thẳng đến mỏm xương khu (huyệt Trường Cường) rồi theo mạch Đốc đi lên, có môn phái thì chọn kiểu đi từ Đan Điền vòng xuống bộ phận sinh dục, qua hậu môn rồi mới đến mõm cụt và đi lên theo mạch Đốc.
Trước đây các môn khí công chỉ chọn luyện riêng một trong hai vòng chu-thiên này. Nhưng thầy Châu thì phối hợp 2 vòng này với nhau để luyện và đặt tên môn Khí Công này là Âm Dương (ÂDKC), và ông chọn kiểu đi Đại Chu Thiên vòng xuống bộ phận sinh dục. Với tôi, tôi chọn kiểu trước: Đan Điền xuyên qua bụng đến mõm cụt, vì an toàn hơn.
Tính của Dương là động, ấm nóng, gây hưng phấn. Tính của Âm là tỉnh, mát lạnh, tạo ức chế. Cân bằng 2 yếu tố này được thì cơ thể quân bình về tâm lý và sinh lý. Tâm lý thì bình ổn không hưng phấn cũng không trầm cảm, không nóng nảy cũng không chán chường lãnh đạm, bình tỉnh giúp hạn chế phản ứng bất cập trong giao tiếp. Sinh lý thì không nóng không mát thích nghi với sự biến động của môi trường dễ dàng nên khó bị bệnh.
Thở dư đường Dương gây nóng nảy, siêng năng ham làm việc, táo bón, khó ngũ, nổi mụn nhọt. Dư đường Âm lại làm lãnh đạm, lười biếng ù lỳ, tiểu nhiều, đụng đâu ngũ đó. Đó là những hiện tượng thường xảy ra. Ngoài ra, tùy theo cơ địa mỗi người còn có các hiện tượng khác nhưng không ngoài nguyên lý Âm Dương: động-tỉnh, nóng-lạnh, hưng phấn-trầm cảm….
Trong ÂDKC, có 2 điều quan trọng và khó nhất là: tạo cho được TỶ LỆ VÀNG, là tỷ lệ nhiều ít giữa đường âm với đường dương như thế nào để đạt được sự cân bằng âm dương cho cơ thể. Thứ đến là giữ cho an toàn trong suốt quá trình luyện tập, không để sự sơ xuất hay rũi ro gây bệnh cho bản thân người tập.
Bạn cần có không gian riêng tư, yên tỉnh, môi trường tự nhiên trong lành không có mùi lạ kể cả các loại hương liệu thơm. Thời gian đầu khi luyện chưa thành công, bạn không nên tập trong phòng lạnh vì chưa có kinh nghiệm về cảm giác nóng lạnh bên trong cơ thể; nơi có nhiều gió, nơi ồn ào khiến bạn bị phân tâm. Bạn nên tập vào thời khắc và không gian cố định của bạn. Tốt nhất là buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi vừa thức giấc. Khi đã luyện thành công thuần thục thì các điều kiện này không khắt khe nữa, nghĩa là tập trong phòng lạnh hay đang đi trên đường phố đều được miễn là không có mùi lạ, trong trường hợp bạn cần bổ sung Âm hay Dương để đối phó với tình huống gặp phải.
Trước mỗi buổi tập, bạn nên thở sâu vào và ra từ 3 đến 5 lần để cơ thể có sự thoải mái và tương đối thông suốt cho hệ hô hấp (thường gọi là thở xã trược) rồi mới bắt đầu tập khí công.
TỶ LỆ VÀNG:
Cách tìm tỷ lệ vàng của tôi như sau: trong khi thở xã trược bạn lắng nghe bên trong cơ thể bạn đang ấm nóng hay đang mát lạnh.
Nếu cảm thấy mát lanh, tức là cơ thể bạn đang âm. Bạn cần thở đường Dương trước như sau: thở 2 Dương (có dẫn ý theo đường Dương) rồi thở 2 đến 5 lần bình thường (không dẫn ý - khi chưa thuần thục bạn nên thở 5 lần bình thường, khi thuần thục bạn chỉ cần thở thường 2 lần thôi) một cách chậm rãi. Trong khi thở bình thường bạn lắng nghe cơ thể như thế nào, còn mát hay nó ra sao rồi. Cứ thế cho đến khi bạn cảm thấy cơ thể bạn ấm lên, lập tức bạn thở MỘT đường Âm rồi nghỉ tập. Ngay lúc ấy, bạn đã cân bằng được Âm Dương cho cơ thể bạn.
Nếu cảm thấy ấm nóng là cơ thể bạn đang dương. Bạn cần thở đường Âm trước như sau: thở 2 đường Âm (có dẫn ý theo đường Âm) rồi thở 2 đến 5 lần bình thường. Rồi lại 2 đường Âm, 2 hơi thở thường. Cứ như trên, cho đến khi bạn cảm thấy cơ thể bạn mát lại, lập tức bạn thở lại MỘT đường Dương rồi nghỉ tập. Lúc này cơ thể bạn đang cân bằng âm dương.
HÓA GIẢI CÁC SƠ XUẤT VÀ RŨI RO.
Trong khi luyện khí công, sự sơ xuất và rũi ro rất dễ xảy ra, nhất là rũi ro. Ngày nào còn luyện khí công là ngày đó rũi ro còn có thể đến với bạn.
Trừ các gia đình giàu có, sống biệt lập trong dinh thự, hầu hết chúng ta sống chung với hàng xóm liền vách. Đang chăm chú dùng ý dẫn khí bỗng……… “rầm”, thế là bạn giật mình, hóa ra vợ chồng láng giềng đắng cơm lạnh canh làm bạn bị vạ lây. Thế là khí bạn bị rối loạn, Khí đang được dẫn đi sẽ bị vừa bế vừa tán tại vùng đang di chuyển. Khí loạn này sẽ gây bệnh cho bạn.Hay khi đang say sưa thở âm dương thì một mùi hôi thối xộc vào mũi bạn, hóa ra con mèo làm rơi hũ mắm mới ũ……vv….và…vv. Thế là bạn bị khí xú uế đó xâm nhập vào kinh mạch.Muôn kiểu rũi ro khó lòng kê khai cho hết. Tùy vùng xảy ra sự cố mà bạn bị bệnh tại mạch Nhâm hay Đốc và cơ quan hay nội tạng gần nhất.
Bệnh do rối loạn khí khá khó chữa. Tôi đã từng chứng kiến vài nạn nhân kiểu này mà sư phụ của họ cũng không hóa giải nổi. Không chỉ đệ tử, ngay chính các vị sư phụ cũng có người không thoát được sự rũi ro này. Cho nên,bạn cần thuộc lòng kinh nghiệm sau đây của tôi để hóa giải các tai nạn này như sau:
RŨI RO VỀ TÌNH CHÍ.
Khí chỉ luyện thành khi có ý. Ý lại cần sự tập trung tinh thần vào việc luyện tập. Khi mới tập bạn thường bị phân tâm vì các vấn đề trong cuộc sống. Thở theo đường luyện khí nhưng tinh thần thì………lại nhớ đến chuyện bị mắng mỏ, bị mất mát thiệt thòi, nhớ nụ cười dễ thương của bạn hàng xóm, nhớ người IU……vv….và …vv... Thế là công toi cả buổi tập, nhưng vụ này không hại gì nếu bạn không bị xúc động. Việc này sẽ gây hại lớn khi đang tập mà bạn bị xúc động. Khi nhận ra mình bị xúc động, ngay lập tức bạn thở hắt ra một cách bình thường không cố gắng gì cả bằng mũi hay bằng miệng gì cũng được. Rồi bạn hít vào bình thường (không dùng ý dẫn khí) vừa phải không cố sức, rồi ngưng hít thở, sau đó bạn tập trung tinh thần vào điểm khí bị tán đó. Đây là động tác gom khí về. Bạn lắng nghe tại điểm đó sẽ thấy có cảm giác tê rần, lúc đầu còn mơ hồ rồi rõ dần. Khi cảm thấy sắp ngộp thở, bạn dẫn ý mang theo đám khí đó đi tiếp, có hai trường hợp như sau:
1-      Bị tán khí khi từ vùng Đan điền trở lên mũi. Bạn dẫn ý có khí đó lên mũi rồi thở ra.
2-      Bị tán khí ở vùng dưới Đan điền, bạn dẫn ý có khí đó đi tiếp theo đường Âm đến mũi rồi thở ra.
Bạn nên lập lại việc này 2 đến 3 lần gì đó cho đến khi bạn thấy việc gọi khí về không có hiệu ứng (không thấy tê rần nữa) có nghĩa là khí bị tán tại vùng đó đã được gom lại và đưa ra ngoài hết rồi. Khi đã thuần thục thì tối đa 2 lần là bạn hóa giải xong.
Khi bạn bị giật mình gây khí tán, cách hóa giải cũng y như trên.
RŨI RO VỀ MÙI XÚ UẾ.
Đang luyện khí công, bạn bị mùi lạ xộc vào mũi. Ngay lập tức bạn thở hắt ra bình thường, không nên hóp bụng cho ra hết. Ngưng thở, gọi khí về, rồi dẫn khí theo một trong 2 đường nêu trên. Vì thông thường nếu bạn không cố ý hóp bụng thở ra cho bằng hết khí trong phổi thì bạn có thể nhịn thở khá lâu, đủ thời gian để gom khí có mùi xú uế đó lại chỉ cần một lần là hết. Đồng thời khí bạn không bị tán mà chỉ ngưng tại chổ vì bạn chủ động thở ra nên việc gọi và gom khí lại không khó, không lâu. Cho nên thao tác hóa giải mùi xú uế chỉ cần một lần là xong.
Bạn PHẢI thực hiện ngay thao tác hóa giải khi xảy ra sự cố, không được chần chừ. Vì vậy nên nằm lòng trước khi luyện khí công.
PHƯƠNG PHÁP LUYỆN ÂM DƯƠNG KHÍ CÔNG.
Luyện ÂDKC khác với các môn khác ở điểm không cố gắng. Thở vào thở ra rất bình thường, nhẹ nhàng. Chỉ tập trung chú ý vào đường Âm hay Dương, nói cách khác là tập trung vào việc dẫn ý, không chú ý vào hơi thở, không cần cố ý phình bụng hay hóp bụng. Không cần nhắm mắt hay nhìn xuống mà chỉ cần nhìn vào một điểm cố định trước mặt. Ngồi kiểu gì cũng được, chỉ cần thẳng lưng một cách thoải mái. Thở vào thở ra đều bằng mũi, không cần thở ra bằng miệng. Lưỡi để tự nhiên, không cần đưa lên chân răng cửa như các môn phái khác. Nếu bạn tập đường Âm (vòng Đại Chu Thiên) theo kiểu này thì cũng không cần nhíu hậu môn. Nhưng nếu theo kiểu vòng xuống bộ phận sinh dục, qua hậu môn thì bạn phải nhíu hậu môn khi dẫn Ý dến chổ này. Khi đã thuần thục, bạn có thể vừa đi vừa thở ÂDKC chớ không cần ngồi yên tỉnh, nhưng việc này chỉ nên dùng khi cần bổ sung điều chỉnh để đối phó với các biến động trong ngày. Dù sao, luyện ÂD khí công trong thế tỉnh (ngồi một chổ) vẫn có hiệu quả cao hơn.
Đường Dương: thở vào đồng thời tưởng tượng ý của mình khởi đầu từ huyệt 19 (nơi tiếp xúc của chân mũi với môi trên) đi trên mặt da theo đường giữa thân người phía trước qua vùng cổ họng, xuống ngực, qua rún độ 1,5 lóng ngón tay giữa (vùng Đan Điền). Khi ý bạn đến Đan-điền thì ngưng thở, không thở vào cũng không thở ra, một cách tự nhiên không có bất cứ sự cố gắng nào. Tại đây, bạn đếm thầm MỘT (hoặc 2,3 hay 5 hay nhiều hơn nữa tùy sức) rồi dẫn ý đi ngược trở lên lại về huyệt 19 trong khi vẫn ngưng thở. Khi ý bạn đến huyệt 19 bạn thở ra bình thường bằng mũi.
Đường Âm: bạn thở vào trong khi ý đi từ huyệt 19 theo trục giữa thân người như trên xuống đến Đan-điền thì ngưng thở. Đếm MỘT rồi dẫn ý xuyên qua bụng đến huyệt Trường-cường (mõm cụt, mõm xương khu), dẫn ý đi dọc theo trục giữa thân sau đi lên đỉnh đầu, xuống trán – mũi đến huyệt 19 mới thở ra. Suốt đoạn đường từ Đan Điền qua mõm cụt lên lưng, gáy, đầu, trán, mũi, huyệt 19 không dừng lại bất cứ ở đâu. Đoạn này khá dài, vì vậy tôi khuyên bạn chỉ đếm MỘT ở Đan điền để tránh sự đứt hơi không tốt.
CHÚ Ý:
-          Tất cả động tác bạn cần thực hiện một cách bình thường thoái mái, không có sự cố gắng nào. Chỉ tập trung vào việc dẫn ý đi theo 2 đường thở Âm (mạch Đốc), Dương (mạch Nhâm) mà cũng thật bình thường thoải mái.
-          Thời gian đầu bạn sẽ không cảm nhận được có cái gì để dẫn trên 2 đường Âm Dương cả. Đừng bận tâm, vì mới tập bạn chưa có Khí để dẫn. Về sau khi bạn thở có dẫn ý bạn sẽ thấy có một cái gì đó đi theo ý của bạn, đó là lúc bạn đã có Khí, bạn bắt đầu thành công.
THỞ BỔ SUNG: Chỉ khi đến giai đoạn có Khí bạn mới nên dùng ÂDKC bổ sung cân bằng trong khi sinh hoạt. Khi trời lạnh bạn thấy người lạnh, bạn thở đường Dương, cứ 2 đường Dương rồi 2 hơi thở thường, cho đến khi thấy người ấm lại thì ngưng. Khi trời nóng bức, bạn thấy người nóng bạn thở đường Âm 2 lần rồi thở bình thường 2 lần, cứ vậy cho đến khi thấy người mát dễ chịu là xong. Thở khí công không nên hấp tấp tham lam. Cần từ tốn theo hướng dẫn kể cả trong thở bổ sung. Nếu nôn nóng bạn sẽ bị dư Âm hay dư Dương. Khi bị dư âm bạn có thể hóa giải bằng đường Dương. Khi bạn dư Dương bạn lại không thể hóa giải bằng đường Âm, mà phải tắm bằng nước, đây là kinh nghiệm thực tế của tôi.
CÔNG DỤNG CHÍNH CỦA ÂDKC
-          Cân bằng và ổn định thân nhiệt giúp cân bằng sinh lý cơ thể. Sinh lý cơ thể ổn định là một trong những yếu tố của sức khỏe tốt.
-          Tăng khả năng miễn nhiễm về thời khí nên khó bị cảm. Chống lại sự xâm nhập các trọc khí khi tiếp xúc với bệnh nhân nên không bị rơi vào tinh trạng “nước chảy về chổ trũng” và "bình thông nhau" do đó không bị nhiễm bệnh của bệnh nhân.
-          Cân bằng và ổn định tâm lý giúp giãm phản ứng bất xứng trong giao tiếp. Giúp tinh thần an định trước các biến cố trong cuộc sống.
-          Tăng sức chịu đựng cho cơ thể, chậm mỏi mệt. Tăng khí lực hổ trợ hiệu quả cao hơn trong việc chữa bệnh cho bệnh nhân khi dùng DC-ĐKLP.
-          Điều chỉnh được giấc ngủ: khi cần thức khuya để làm việc, bạn thở bổ sung Dương, khi cần ngủ dễ và êm bạn thở Âm.
Và nhiều công dụng phụ khác. Nếu muốn biết chi tiết, bạn hãy tìm đọc sách “Âm Dương Khí Công” của thầy Châu. Ở đây tôi chỉ trình bày các kinh nghiệm riêng của tôi mà thôi.
Chúc các bạn luyện thành ÂDKC để giúp ích cho bản thân và cho mọi người.
Bạc Liêu , mùng 9 Tết Nhâm Thìn (31-1-2012).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét